Du học sinh nước ngoài trải nghiệm gói bánh chưng, tiễn ông công ông táo

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - Mặc dù cũng được nghỉ Tết như sinh viên Việt Nam, có thể về nước thăm người thân nhưng nhiều lưu học sinh nước ngoài vẫn quyết định ở lại để được khám phá Tết Việt.

Không chỉ được tìm hiểu về các phong tục trong ngày Tết cổ truyền, một số du học sinh nước ngoài chọn ở lại Việt Nam để trải nghiệm không khí ngày Tết, được trực tiếp thưởng thức ẩm thực, trải nghiệm các trò chơi dân gian ngày xuân.

Laura, đến từ Ba Lan, hiện đang là sinh viên Khoa tiếng Việt, Trường ĐH Hà Nội cho biết, đây là năm đầu tiên em quyết định ở lại ăn Tết Nguyên đán của Việt Nam.

Được tham gia các trò chơi ngày Tết, tự tay chuẩn bị lá gói bánh chưng cùng các bạn ở trường, Laura háo hức lắm.

Du học sinh nước ngoài trải nghiệm gói bánh chưng, tiễn ông công ông táo - 1

Đây là năm đầu tiên Laura- sinh viên Khoa tiếng Việt, Trường ĐH Hà Nội, chọn ở lại đón Tết cổ truyền Việt Nam (Ảnh: Mỹ Hà).

Cô sinh viên năm hai cho biết, Tết ở nơi cô sinh sống đơn giản là đi du lịch, gặp gỡ bạn bè và không có nhiều phong tục tập quán truyền thống như ở Việt Nam.

Với tất cả niềm háo hức và hạnh phúc, năm nay Laura chọn ăn Tết Việt Nam bởi theo cô, Tết Việt Nam rất thích, món ăn rất ngon, phong cảnh rất đẹp.

"Em rất thích những trò chơi và món ăn truyền thống ở Việt Nam. Chẳng hạn em thích trải nghiệm phong tục gói bánh chưng, tiễn ông công ông táo về trời và các món ăn như ném rán, bún chả, bánh chưng…", Laura chia sẻ.

Được biết Laura từng học Tiếng Việt ở Ba Lan nhưng sau đó cô quyết định đến Đại học Hà Nội để việc học tiếng được thuận lợi hơn.

Laura cho rằng tiếng Việt rất khó bởi có nhiều dấu, mặc dầu vậy cô vẫn rất thích học ngôn ngữ này.

Dự định Tết Quý Mão, cô sẽ cùng các bạn ở Hà Nội đi chơi, thưởng thức món ăn truyền thống ngày Tết.

Cũng đến từ Ba Lan, sinh viên Ignacy sang Việt Nam và học tiếng Việt đã 3 năm.

Em cho biết, mình chọn ngành ngôn ngữ Việt vì thích văn hóa Châu Á. Tuy nhiên, em không chọn Hàn Quốc hay Trung Quốc vì với Ignacy, Việt Nam rất thú vị.

"Em biết về Việt Nam qua các bộ phim. Em rất muốn làm việc ở Việt Nam nhưng trước hết phải chăm chỉ học tiếng Việt đã", Ignacy nói.

Du học sinh nước ngoài trải nghiệm gói bánh chưng, tiễn ông công ông táo - 2

Sinh viên Ignacy chọn ở lại ăn Tết Việt vì yêu thích văn hóa Việt Nam (Ảnh: Mỹ Hà).

Chia sẻ với PV Dân trí, TS Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trưởng Khoa Việt Nam học, Trường ĐH Hà Nội cho biết, hàng năm nhà trường thường tổ chức chương trình Tết Việt cho du học sinh nước ngoài đang học tại trường, để sinh viên hiểu hơn về phong tục tập quán Việt Nam, gắn kết hơn và thêm yêu đất nước con người Việt Nam.

Những trải nghiệm trong trường chỉ là những nét phác thảo về lễ Tết truyền thống Việt Nam bởi các em sẽ ra ngoài, cảm nhận không khí Tết Việt bằng tất cả cảm nhận của bản thân.

Chương trình Tết Việt không chỉ mang lại nhiều trải nghiệm, cảm xúc thú vị cho các lưu học sinh mà còn tạo môi trường giao lưu, gắn kết giữa du học sinh nước ngoài với nhau và với sinh viên Việt Nam.  Đó cũng chính là ý nghĩa ngày Tết cổ truyền của người Việt.

Đối với sinh viên nước ngoài đến Việt Nam và khi học tập tại đại học Hà Nội, họ được học tất cả những văn hóa truyền thống bởi theo như người Việt Nam nói, "nhập gia tùy tục".

Du học sinh nước ngoài trải nghiệm gói bánh chưng, tiễn ông công ông táo - 3

Nhiều sinh viên nước ngoài chọn đón Tết Nguyên đán vì yêu thích phong tục Việt Nam (Ảnh: Mỹ Hà).

Chia sẻ về việc Tết truyền thống của Việt Nam và các phong tục "Tết cha, Tết mẹ, Tết thầy" liệu có đang dần mai một đi hay không, TS Thanh Xuân cho rằng, xưa nay dù phong tục này có thay đổi nhưng ý nghĩa chưa bao giờ thay đổi.

"Nước ta có truyền thống hiếu nghĩa với thầy cô với cha mẹ nhưng ở mỗi thời đại có mỗi cách thức khác nhau.

Ngày xưa, khi công nghệ chưa phát triển, học sinh đến nhà thầy cô, thăm gia đình họ hàng còn bây giờ các em có nhiều cách thức để gửi lời chúc Tết đến thầy cô, ông bà cha mẹ.

Trong thời đại 4.0, không chỉ các em mà cả thầy cô, ông bà, cha mẹ cũng muốn có trải nghiệm những cái tết khác nhau trong thời gian nghỉ Tết.

Do đó tôi nghĩ hiếu nghĩa với thầy cô cha mẹ không thay đổi mà cách thức thể hiện thay đổi theo cách khác nhau.

Các em sinh viên đến thăm thầy cô, con cái nói lời chúc tết tới cha mẹ, ông bà cha mẹ…, tất cả những điều này chưa bao giờ thay đổi", TS Thanh Xuân khẳng định.