DMagazine

Vụ "biến mất bí ẩn" của Jack Ma và chính sách của Trung Quốc với "big tech"

(Dân trí) - Nếu nhớ về năm 2021 và nhớ về Jack Ma, người ta không thể không nhắc đến vụ "biến mất bí ẩn" suốt mấy tháng của doanh nhân đình đám này. Đằng sau vụ "mất tích" đó, là một câu chuyện dài…

Vụ biến mất bí ẩn của Jack Ma và chính sách của Trung Quốc với big tech - 1

Ngày 24/10/2020, Jack Ma (người sáng lập Alibaba) phát biểu tại một hội nghị về tài chính tiền tệ rằng sự bất cập của hệ thống ngân hàng Trung Quốc của họ đã tạo ra một hệ thống tài chính kém phát triển và cho rằng các công ty tài chính công nghệ (fintech) có thể giải quyết vấn đề này một cách dễ dàng.

Nhưng phát biểu này không chỉ làm phật ý các quan chức ngành ngân hàng Trung Quốc đang tham dự mà nó còn đánh dấu một thay đổi lớn lao trong cách tiếp cận của Trung Quốc đối với các công ty công nghệ.

Jack Ma sau đó có 3 tháng "biến mất trên truyền thông" không thể lý giải nổi. Và hoạt động phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) của Ant Group (một tập đoàn có nghiệp vụ fintech tách ra từ Alibaba) với giá trị huy động dự kiến gần 40 tỷ USD cũng đã bị đình chỉ ngay lập tức. Dẫu vậy, đây chỉ là khởi đầu của một sự thay đổi trong cách tiếp cận của chính phủ Trung Quốc từ nương nhẹ sang chấn chỉnh với các công ty công nghệ, đặc biệt là công ty công nghệ tư nhân và các công ty hoạt động dựa trên nền tảng (platform).

Vụ biến mất bí ẩn của Jack Ma và chính sách của Trung Quốc với big tech - 2

Về chủ trương đường lối

Trong Hội nghị toàn thể trung ương 5 khóa 19 vào mùa thu năm ngoái, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã củng cố niềm tin vào việc đổi mới là động lực cốt lõi cho sự phát triển liên tục của Trung Quốc và theo đuổi chuyển đổi công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất.

Động lực thúc đẩy sự chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế này lần đầu tiên được xác lập trong Kế hoạch Khoa học và Công nghệ trung và dài hạn năm 2006 và được nhấn mạnh trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016 - 2020).

Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025), được công bố vào ngày 5/3 năm nay lần đầu tiên mô tả đổi mới công nghệ là vấn đề an ninh quốc gia chứ không chỉ là phát triển kinh tế. Điều này thể hiện nhận thức ngày càng tăng rằng công nghệ là chiến trường cạnh tranh với phương Tây sau các hành động của Mỹ nhắm vào các công ty Trung Quốc như ZTE, Huawei và Bytedance, bắt đầu vào năm 2018.

Nhưng điều này chỉ thể hiện rằng Trung Quốc vừa chú trọng sự phát triển của công nghệ, vừa coi trọng quyền lực và sự quản lý của nhà nước với hệ thống công ty này. Sau phát biểu đầy tính chất "vỗ mặt" của Jack Ma, tại Hội nghị kinh tế trung ương 2020 (CEWC) được tổ chức từ 16/12 đến 18/12/2020, Trung Quốc đã đề ra 8 chính sách kinh tế quan trọng cho năm 2021. Trong đó, xếp ở vị trí thứ 6 là: tăng cường các biện pháp chống độc quyền và ngăn chặn "sự bành trướng của tư bản một cách mất trật tự". CEWC kêu gọi các chính sách cải thiện các quy định và tiêu chuẩn pháp lý liên quan đến kỹ thuật số để xác định độc quyền nền tảng, cũng như cải tiến các quy định về thu thập, sử dụng và quản lý dữ liệu người tiêu dùng.

Chủ trương này đã bắt nguồn từ cấp cao hơn. Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã tiến hành một cuộc điều tra về các hoạt động bảo mật dữ liệu của Didi chỉ vài ngày sau khi hãng này IPO trên Sàn giao dịch Chứng khoán New York với sự chỉ đạo từ Văn phòng ủy ban trung ương đảng và Quốc vụ viện thông qua văn bản "Ý kiến về việc nghiêm khắc ngăn chặn hoạt động chứng khoán bất hợp pháp theo quy định của pháp luật". Với văn bản này, CAC yêu cầu xem xét bắt buộc đối với bất kỳ công ty nào thu thập thông tin cá nhân của hơn 1 triệu người dùng nếu chúng định niêm yết ở nước ngoài.

Về lập pháp

Để triển khai hoạt động quản lý với các công ty nền tảng, Trung Quốc đã nhanh chóng ban hành nhiều luật mới và nhìn chung có 5 văn bản luật tập trung vào nền tảng internet đã được áp dụng. Chúng gồm: (i) Luật An ninh mạng (2017), (ii) Luật Thương mại điện tử (2019), (iii) Luật Chống độc quyền (2019) sửa đổi bản 2008, thêm vào điều khoản về các nền tảng internet, (iv) Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh (2019) và (v) Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân (2021).

Luật Bảo mật dữ liệu áp dụng cho tất cả dữ liệu được lưu trữ tại Trung Quốc bởi các nhà khai thác trong nước hoặc nước ngoài. Luật thiết lập các loại dữ liệu khác nhau, với nhiều loại dữ liệu quan trọng hơn phải chịu sự điều chỉnh nghiêm ngặt hơn. Các nhà xử lý "dữ liệu quan trọng" phải tuân theo các yêu cầu đánh giá rủi ro bổ sung và kiểm soát xuất khẩu, trong khi các công ty chuyển "dữ liệu trạng thái cốt lõi" (core state data) ra nước ngoài mà không có sự chấp thuận trước của cơ quan chức năng Trung Quốc sẽ bị phạt, bao gồm tiền phạt lên đến 1,5 triệu USD cho mỗi vi phạm và đóng cửa doanh nghiệp.

Các quy định về "dữ liệu nhà nước cốt lõi" được bổ sung tương đối muộn vào luật, chưa xuất hiện trong các dự thảo được lấy ý kiến vào tháng 10/2020 và tháng 4/2021. Điểm đáng chú ý nhất là "Dữ liệu cốt lõi" được định nghĩa rất rộng, bao gồm: dữ liệu liên quan đến an ninh quốc gia, huyết mạch của nền kinh tế quốc gia, các khía cạnh quan trọng trong sinh kế của người dân và lợi ích công cộng chính.

Về thực thi triển khai

Trên cơ sở 5 đạo luật nêu trên, tháng 10/2020, Trung Quốc này đã trình làng "Chiến dịch Thanh gươm mạng (Cyber Sword)" (网 剑 行动), một chiến dịch trên phạm vi rộng liên quan đến 14 bộ và cơ quan nhằm "chỉnh đốn" lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc.

Những cơ quan quản lý chủ yếu bao gồm Cục Quản lý Thị trường Nhà nước (SAMR), Cục Quản lý Không gian mạng (CAC), Bộ Công nghiệp và Thông tin (MIIT), Ủy ban Quản lý An ninh Trung Quốc (CSRC). Trong đó có những cơ quan chỉ mới vừa được thành lập vào năm 2018 như SAMR. Những cơ quan quản lý này được giao 5 nhiệm vụ nhưng đều tập trung vào lĩnh vực internet và nền tảng. Sau hơn một năm hoạt động, SAMR đã ban hành tới 33% số văn bản quản lý, CAC ban hành 25% nhiều hơn cả MIIT (với 17% số văn bản).

Vụ biến mất bí ẩn của Jack Ma và chính sách của Trung Quốc với big tech - 4

Hoạt động siết chặt quản lý của Trung Quốc đang đem lại cả được và mất cho các công ty hoạt động trên nền tảng ở các mức độ khác biệt.

Đối với chính phủ, hoạt động này trước tiên giúp xác lập kim chỉ nam hành động để quản lý một trong những nguồn tài nguyên quan trọng bậc nhất của kỷ nguyên kế tiếp: dữ liệu.

Trong một thông cáo báo chí được công bố cùng ngày với ngày thông qua Luật An ninh dữ liệu (10/6/2021), Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã viết: "Dữ liệu là nguồn tài nguyên chiến lược cơ bản của quốc gia. Không có an ninh dữ liệu thì không có an ninh quốc gia ". Trước đó một năm, vào tháng 4/2020, chính phủ Trung Quốc đã gọi dữ liệu là "yếu tố sản xuất" ngang hàng với đất đai, vốn và lao động. Các nhà hoạch định chính sách coi dữ liệu là nền tảng quan trọng của nền kinh tế kỹ thuật số ngày càng nổi bật, mà Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc ước tính chiếm tới 38,6% GDP của Trung Quốc vào năm 2020.

Thứ hai, nó giúp thu gọn những nguồn lực đổ vào các hoạt động hao tốn tài nguyên hoặc thách thức quyền lực tập trung của cơ quan nhà nước, chẳng hạn với ngành kinh tế dạy thêm trực tuyến, trò chơi trực tuyến hay đào tiền mật mã.

Thứ ba, gia tăng vai trò và ảnh hưởng của kinh tế nhà nước trong các doanh nghiệp tư nhân. Số vốn của các quỹ liên kết công - tư trong tổng vốn đăng ký doanh nghiệp ở Trung Quốc đã tăng từ 14,1% năm 2000 lên 33,5% vào năm 2019. Hơn 130.000 công ty tư nhân đã thành lập liên doanh với các công ty nhà nước vào năm 2019, tăng từ 45.000 vào năm 2000. Trung bình một quỹ nhà nước liên doanh với 4 công ty tư nhân vào năm 2000 thì đến năm 2019 con số này là 19 công ty.

Nhưng những tác động tiêu cực lên hoạt động kinh doanh của công ty công nghệ là có thể thấy rõ.

Đầu tiên là sự suy giảm lợi nhuận của lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc. Những "gã khổng lồ" về thương mại điện tử và internet của đất nước này đã là mỏ vàng cho các nhà đầu tư trong nhiều năm. Điều đó sẽ chậm lại vì một số cải cách được thực hiện vào năm 2021 được phản ánh trong thu nhập của năm 2022.

Ở một khía cạnh cực đoan, một số nhà cung cấp dịch vụ dạy kèm sau giờ học trực tuyến đã bị buộc phải chuyển đổi thành các tổ chức phi lợi nhuận. Trò chơi điện tử cũng đang bị ảnh hưởng. Vào tháng 9 vừa rồi, các nhà quản lý đã nói với các công ty trò chơi, bao gồm cả Tencent, rằng họ nên ngừng tập trung vào lợi nhuận và thay vào đó tập trung vào việc giảm tình trạng nghiện chơi của thanh thiếu niên. Ngành công nghiệp video ngắn, được thống trị bởi các công ty như ByteDance, Kuaishou và Bilibili, có thể nhận được sự đối xử tương tự. Kỳ vọng lợi nhuận kém từ các công ty trong những lĩnh vực này vào năm 2022.

Trong khi đó, các tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất của Trung Quốc - Alibaba, Pinduoduo và jd.com - đang bị buộc phải đối đầu với nhiều hoạt động độc quyền đã thúc đẩy thu nhập của họ trong quá khứ. Meituan, một siêu ứng dụng tập trung vào việc giao đồ ăn, đã được đặt hàng để hỗ trợ tốt hơn cho đội quân tài xế của mình. Những thay đổi như vậy sẽ làm xói mòn lợi nhuận của các công ty và ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của họ. Theo Bernstein, một nhà môi giới, tỷ lệ giá trên thu nhập của Tencent dự kiến sẽ giảm từ bội số khoảng 32 vào năm 2020 xuống 24 vào năm 2022.

Sự thay đổi thứ hai sẽ là cách các tập đoàn công nghệ Trung Quốc huy động vốn. Các cơ quan quản lý của Trung Quốc và Mỹ đều không muốn các công ty Trung Quốc niêm yết cổ phiếu tại New York. Ngay cả những đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng ở Hồng Kông cũng đã phải chịu một mức độ rủi ro mới. Các nhà quản lý Trung Quốc đã phản đối việc "mở rộng tư bản một cách vô trật tự" của các công ty công nghệ.

Các nhà phân tích tại ngân hàng Morgan Stanley gọi đây là sự "thiết lập lại" toàn bộ ngành. Khi các công ty công nghệ Trung Quốc thích nghi với thực tế là chính phủ kiểm soát chặt chẽ hơn, giá trị của họ đối với các nhà đầu tư chắc chắn sẽ thấp hơn.