1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Hồi ức của chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày

(Dân trí) - Một buổi chiều cuối tháng Tư lịch sử, chúng tôi về xã Công Thành - một xã anh hùng LLVTND, vùng quê giàu truyền thống cách mạng, được nghe các Cựu chiến binh ở đây kể về một tấm gương chiến sỹ cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ, từng bị địch bắt tù đày.

Đó là ông Dương Văn Giá, 64 tuổi, xóm Bùi Bùi, xã Công Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An.

Những ngày cuối tháng Tư lịch sử trời xứ Nghệ nóng như đổ lửa. Vòng qua những con đường làng thênh thang mới mở, chúng tôi tìm về nhà CCB Dương Văn Giá. Căn nhà cấp bốn nằm khiêm nhường nằm ngay giữa một làng quê trù mật. Tiếp chúng tôi là những bát nước chè xanh “đặc sản” của xứ Nghệ đặc quánh chỉ cần một ngụm cũng làm chát miệng. Ông bảo: "Nếu các chú chưa ăn gì, uống nước chè này vào dễ bị say lắm đó. Nói đoạn ông cười khẽ và bảo đứa cháu pha thêm chút nước sôi vào cho bát nước chè loãng hơn để khách uống không bị kháy ở cổ.

Năm nay ông Giá bước vào tuổi 64, tuy sức khỏe kém hơn so với những người cùng tuổi, nhưng vóc dáng vẫn rất nhanh nhẹn, đặc biệt ông có gương mặt điềm đạm, toát lên tinh thần lạc quan của một người chiến sỹ cộng sản.

Thấy chúng tôi tập trung chú ý vào những tấm huân, huy chương cao quý mà Đảng, nhà nước phong tặng được treo ở những vị trí trang trọng xen lẫn với các tấm ảnh thăm lại chiến trường xưa, như đoán được ý định của chúng tôi về chuyến thăm gặp gỡ, ông chậm rãi nói trong những nụ cười thân thiện: “Đó là những tài sản cao quý nhất trong cuộc đời binh nghiệp của tôi, giờ là kỷ niệm để giáo dục truyền thống cho các thế hệ con cháu”. Và cũng chính từ đó những câu chuyện về thời trai trẻ rất đỗi hào hùng của ông cứ lần lượt hiện vào trong tâm trí chúng tôi.
 
Hồi ức của chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày - 1
Ông Giá tại hội nghị Hội cựu chiến binh nhân ngày 30/4.

CCB Dương Văn Giá sinh ra trong một gia đình thuần nông, giàu truyền thống cách mạng ở xã Công Thành. Ngày 16/12/1967, khi vừa tròn 18 tuổi ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Chỉ sau đó một tuần, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc ông đã tình nguyện lên đường nhập ngũ và được biên chế vào C13-K4-H22 Quân khu 4. Sau đó vào chiến trường miền Nam, trực tiếp chiến đấu ở B5 - Khe Sanh - Quảng Trị rồi bổ sung vào đơn vị 4010 vào chiến trường B2 - F9 (Nam Bộ) hoạt động ở vùng ven đô Sài Gòn.

Ngày 31/3/1969 trong một trận chiến đấu không cân sức ở huyện Tân Trụ - Bến Lức (Long An), giữa 32 chiến sỹ của ta với 3 tiểu đoàn lính thủy quân lục chiến Mỹ, ông đã bị thương vào đùi do miếng đạn 20 ly từ máy bay địch bắn xuống. Không thể bỏ cuộc, ông tự mình băng bó vết thương bằng vải dù pháo sáng để tiếp tục chiến đấu. Khi súng hết đạn, ông đã dấu khẩu AK của mình xuống bùn cùng với giấy tờ tùy thân để không rơi vào tay kẻ địch, rồi ém mình vào vào lùm cỏ ở bờ kênh để chờ cơ hội thoát ra ngoài. Nhưng đến thời điểm chập tối, bọn địch đã phát hiện và bị nhóm lính Mỹ xúm lại vạch cỏ rồi túm lấy tóc lôi lên bờ kênh.

Tại đây bọn chúng đã thi nhau đấm đá, lấy báng súng AR15 phang vào đầu, làm ông ngất lịm. Khi tỉnh lại ông thấy mình bị trói cả chân tay, nhốt vào khu nhà lính của địch cùng với 3 đồng đội khác. Vào gần trưa ngày hôm sau, bị bọn địch đưa vào phòng thẩm vấn, ông đã dấu biệt họ tên, quê quán và chỉ nói là từ miền Bắc mới vào.

Biết ông thuộc đơn vị chủ lực nên trong suốt 2 ngày đầu bọn chúng đánh đập tra trấn dã man như: dùng điện dí vào mang tai làm ông bị ngất nhiều lần. Sau đó bọn địch lại thay đổi hình thức tra trấn đó là dùng một cây thước bằng gỗ lim dài khoảng 0,8m, rồi bắt ông kê 10 ngón tay lên mép bàn dùng gậy mà đánh. Mỗi lần tra hỏi là một lần bọn chúng dùng cây thước gỗ đánh bay móng tay ông, cứ thế cho đến khi cả 10 móng tay bay hết, máu chảy đầm đìa.

“Lúc đó đau lắm, máy chảy tứa tát nhưng nghĩ đến anh em đồng đội, người thân đã hy sinh nên tôi không còn cảm thấy đau nữa mà còn có sức chịu đựng hơn. Càng nghĩ về anh em chiến sỹ tôi cảm thấy hạnh phúc vì mình đã hy sinh được một thức gì đó để đảm bảo cho đồng đội rồi”, ông Giá nhớ lại.

Ông Giá cũng cho biết thêm, ngoài những màn tra tấn giã man kia chưa đã chúng vật ngửa ông xuống nền xi măng bắt uống nước xà phòng pha với ớt cay cho đến khi bụng căng phình lên rồi dùng chân đi giày đinh dẫm lên bụng. Cứ thế cho đến ngày thứ 5, biết không moi được tin tức gì, bọn địch đã đưa ông về nhà tù Hố Nai (Biên Hòa). Tháng Tư năm 1969, ông Giá bị đưa ra đảo Phú Quốc giam giữ.

Tại đảo Phú Quốc, ông bị giam ở nhà lao C4, biết ông là đảng viên nên được tổ chức Đảng trong khu giam giao phụ trách công tác Thanh vận (tức là công tác Đoàn). Thời điểm đó cao trào đấu tranh của anh em chiến sỹ cách mạng trong lao tù ngày càng quyết liệt, và luôn phải đối mặt với kẻ thù ở đảo, nhiều lần ông đã tổ chức cho anh em đào hầm vượt ngục, đánh lại bọn quân cảnh để cướp súng chạy vào rừng. Nhưng rồi kế hoạch bị lộ, ông đã tự đứng ra nhận hết tội về mình để trách thương tích đổ máu cho đồng đội.

Lại một lần nữa bọn địch hung ác đã dùng mọi hình thức để tra trấn ông như: đổ nước xà phòng vào miệng, quay điện, lấy roi cá Đuối phơi khô đánh vào người. Suốt một ngày trời, không moi được gì ở ông về Tổ chức bí mật trong trại, bọn chúng đưa ông Giá lên khu biệt giam A2, đày ải hành hạ suốt 4 tháng.Nhưng bất kể trong hoàn cảnh nào, ông đều luôn nêu cao tinh thần dũng cảm và lòng kiên trung bất khuất, giữ vững khí tiết của người chiến sỹ cách mạng, góp phần vào thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Sau hiệp định Paris được ký kết, tháng 8/1973 ông được trao trả về đất liền và tiếp tục phục vụ trong quân đội. Đến năm 1984, ông Giá về nghỉ hưu tại địa phương, mang trên mình nhiều thương tích chiến tranh, được hưởng chế độ bệnh binh 2/3 và thương binh 4/4.

Về với cuộc sống đời thường, mặc dù sức khỏe yếu, gia cảnh gặp nhiều khó khăn, nhưng với bản chất của người cán bộ đảng viên lại được tôi luyện môi trường quân đội, được Đảng tín, dân tin... Từ năm 1995 đến 2005, ông đã tích cực tham gia hoạt động công tác Đảng và chính quyền và giữ nhiều chức vụ quan trọng ở địa phương.

Hiện tại, ông là uy viên Ban thường vụ - Trưởng ban kiểm tra Hội chiến sỹ cách mạng bị địch tù đày tỉnh Nghệ An và giữ chức Chủ tịch Hội chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày huyện Yên Thành.

Dẫu tuổi cao, sức khỏe yếu, trong hoàn cảnh nào, CCB Dương Văn Giá cũng đều nêu cao phẩm chất cao đẹp của một người lính cụ Hồ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, là tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ học tập noi theo.

Thái Dương - Nguyễn Duy