Tâm điểm
Hoàng Hồng

Sách của Ocean Vương, dán nhãn 18+, và "phép đọc"

Văn chương tác động tới tâm trí con người mạnh mẽ và lâu dài. Bởi vậy đọc gì luôn được trăn trở ngang với việc khuyến đọc.

Tôi từng nghe nói về một đề xuất thú vị, không nhớ của ai, rằng để phụ nữ bớt vất vả, các mẹ các bà phải thay đổi lời hát ru đi. Đừng "con cò mà đi ăn đêm" nữa, đừng "giếng sâu, gầu dài, trăm năm trong cõi, bắt phong trần phải phong trần nữa". 

Phải ru con bằng những gì tươi sáng, khỏe khoắn, vui vẻ, yêu đời thì mới mong đứa bé gái không bị "ám" cái đau khổ kiếp người từ trong nôi.

Đó là ý tưởng đáng suy ngẫm. Tôi chờ đợi thế hệ các bé gái lớn lên trong tiếng nhạc "baby shark", "bống bống bang bang" sẽ trở thành những người phụ nữ như thế nào, có hạnh phúc hơn thế hệ trước hay không.

Cha mẹ tôi thuộc thế hệ cũ, gìn giữ gia phong, thiếu hiểu biết về giáo dục giới tính. Tình dục đương nhiên là đề tài cấm kỵ. Nhưng chuyện tình yêu đôi lứa thì lại được cha mẹ tôi đem ru con từ ẵm ngửa, bất chấp lời dạy: "Đàn ông chớ kể Phan Trần/Đàn bà chớ kể Thúy Vân Thúy Kiều".

5 tuổi, cuốn truyện đầu đời của tôi là Truyện Kiều. 16 tuổi, tôi đọc tất cả các sách có trong nhà. Mẹ tôi là giáo viên dạy văn. Bà cho phép con đọc tất cả các sách được Nhà xuất bản Văn học ấn hành. 

Phần lớn trong số đó, tôi đọc mà không hiểu gì cả. Đọc vì đó là hình thức giải trí duy nhất lúc ấy. Có rất nhiều cuốn chỉ đến khi ngoài 30 tuổi, thậm chí gần 40 tuổi đọc lại, tôi mới thấy hay.

Ở tuổi 16, sống trong sự bảo bọc êm ấm của bố mẹ, tôi xa lạ với nỗi đau. Tôi đọc, tôi chứng kiến, tôi biết và tôi không hiểu được. Những trang văn đau đớn của Bảo Ninh, của Nguyễn Huy Thiệp bật ra khỏi đầu tôi. Cảnh tình ái được mô tả trong vô vàn cuốn sách như những khung hình trượt qua tâm tưởng tôi. 

Chỉ có những áng văn cầu kỳ, chải chuốt của "Chùa đàn", "Thương nhớ mười hai", "Núi đồi và thảo nguyên", "Bông hồng vàng" và "Bình minh mưa" là đọng lại. 

Đó là trải nghiệm của tôi với văn chương, không đại diện cho nữ sinh tuổi 16-17. 

Cơ chế tâm lý của mỗi người là khác biệt, dẫn tới trải nghiệm văn chương luôn là trải nghiệm cá biệt, duy nhất, không có mẫu số chung. 

Chưa kể, mỗi cá nhân thụ hưởng một môi trường giáo dục khác nhau, tiếp nhận nguyên liệu văn hóa - xã hội khác nhau, tâm lý sẽ có những cơ chế phản ứng khác nhau trước một tác phẩm cụ thể. Ở đây, tôi đang muốn nói đến đối tượng văn chương, mà cụ thể hơn là văn chương có cảnh ái tình. Ví như cuốn sách đang là tâm điểm mạng xã hội: "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" của tác giả Ocean Vương.

Sách của Ocean Vương, dán nhãn 18+, và phép đọc - 1

Tác phẩm "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" của Ocean Vương (Ảnh: HH).

Đến thời điểm này, có lẽ không cần phải phân tích chi tiết để khẳng định "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" không phải truyện khiêu dâm như nhận định ban đầu. Cuốn sách là một tác phẩm văn chương, đồng thời là tác phẩm văn chương nổi bật của văn đàn thế giới trong các năm 2019, 2020.

Vấn đề tranh cãi có lẽ chỉ còn ở chỗ một tác phẩm văn chương có những trang mô tả cảnh làm tình trực diện, thô ráp như vậy có phù hợp để dạy cho học sinh 16, 17 tuổi hay không.

Cuộc tranh luận về tính phù hợp làm phái sinh một đòi hỏi khác: dán nhãn cho tác phẩm văn chương. Truyện tranh đã có dán nhãn, vậy tại sao tác phẩm văn học lại không?

Song cần lưu ý rằng, việc dán nhãn tác phẩm văn chương không dễ dàng như dán nhãn phim ảnh. Xem một bộ phim chỉ mất 2-3 tiếng, nhưng đọc một cuốn sách và đánh giá được nó cần đến một vài ngày, đôi khi là một vài năm, và có những trường hợp cần đến cả một thời đại. 

Thêm nữa, đặt giả thiết một cuốn sách đã được dán nhãn 18+, có chắc phụ huynh sẽ không phản ứng khi cô con gái đã đủ 18 tuổi của mình, đang học học kỳ II của lớp 12, đọc những trang văn mô tả cảnh làm tình trần trụi từ cuốn sách mà giáo viên phát cho?

Tôi đặt ra vấn đề này là vì, dù pháp luật và đạo đức xã hội thừa nhận 18 tuổi có thể "làm chuyện người lớn", nhưng "thuần phong mỹ tục" vẫn không cho phép các cô gái được làm việc đó nếu chưa lấy chồng. Vậy các cô gái có nên chờ đến lúc lấy chồng mới được đọc công khai những cuốn sách 18+ hay không?

Tôi biết câu hỏi này sẽ khơi nguồn tranh cãi. Song nó liên quan tới một vấn đề khác rất đáng thảo luận. Đó là cách đọc một tác phẩm văn chương, và cao hơn là cách thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật.

Từ thế kỷ XVII, Kim Thánh Thán (1608-1661) đã viết "Phép đọc Mái Tây" để hướng dẫn người đọc tiếp cận "Tây sương ký" - cuốn tiểu thuyết bị xem là dâm thư thời bấy giờ.

"3. Họ sở dĩ cho Mái Tây (tên gọi khác của Tây sương ký) là dâm thư, chẳng qua chỉ vì trong vở có câu chuyện ấy… Nhưng thử nghĩ kỹ: chuyện ấy thì ngày nào không có? Chỗ nào không có? Có dễ trong Trời Đất có chuyện ấy, thì phế cả Trời Đất đi hay sao? Lại hỏi vì đâu mà có thân ta? Dễ cũng vất cả thân ta đi hay sao? Một bộ sách có vô số là những văn chương phong phú xinh đẹp như vậy, ta nên xét xem phong cảnh xinh đẹp như thế, là hạng văn chương gì? Sinh ra từ đâu? Đi đến chỗ nào? Đi thẳng ra sao? Uốn quanh ra sao? Mở ra thế nào? Chỗ nào đàng hoàng? Chỗ nào lẩn lút? Chỗ nào chấm giải? Chỗ nào bay qua? Đến như chuyện ấy, ta nên gác ra một bên, không nên bàn đến nữa!".

Đề cập đến chuyện con trẻ 14, 15 tuổi đọc Mái Tây, Kim Thánh Thán viết ở điều 10: "10. Con em khi đến mười bốn, mười lăm: Như mặt trời ở phương Đông, sách nào chả đọc, quyết không có lẽ không đọc vở Mái Tây. Nếu không mau đem vở này của Thánh Thán cho đọc thì thật là để cho chúng đọc vụng Mái Tây."

Phép đọc một tác phẩm văn chương đã được nhà văn, nhà phê bình trứ danh thời Minh - Thanh chỉ ra cách đây 4 thế kỷ, nhưng đến thế kỷ XXI vẫn là điều xa lạ ở Việt Nam. Tất nhiên mỗi thời đại có cách tiếp cận khác nhau. Thời xưa độ tuổi trung bình kết hôn của phụ nữ khoảng 13 - 14 tuổi; còn thời nay từ đủ 18 tuổi như chúng ta đã biết. Ở đây tôi muốn dẫn lại các trích đoạn trên để nói rằng văn hóa đọc được tạo nên từ phép đọc, không chỉ từ việc đọc nhiều sách.

Cuối cùng, điều tôi quan tâm nhất trong câu chuyện này là người giáo viên đã đưa sách "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" cho học sinh 17 tuổi đọc.

Từ trải nghiệm học văn của mình, tôi suy đoán rằng, giáo viên không đưa sách cho trò một cách ngẫu hứng. Tôi đoán cuốn sách nằm trong một chuyên đề nào đó, hoặc một chủ đề nào đó liên quan tới văn học đương đại. 

Có thể, giáo viên muốn các học trò ở môi trường quốc tế tìm hiểu về tâm hồn, thân phận của người Việt nhưng bằng một góc nhìn khác. Đó không phải góc nhìn truyền thống từ người Việt sinh ra và trưởng thành ở Việt Nam, cũng không phải góc nhìn từ người phương Tây nhìn vào. Đó là góc nhìn của người Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Nói như chính Ocean Vương: "Cuốn sách là lá thư của một người Việt Nam nói với một người Việt Nam khác. Người Mỹ da trắng muốn đọc thì phải bước vào thế giới của chúng ta".

Chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quy định những nguyên tắc, định hướng chung về yêu cầu cần đạt đối với phẩm chất và năng lực của học sinh. Chương trình không quy định quá chi tiết để tạo điều kiện cho tác giả sách giáo khoa và giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình.

Từ quan điểm xây dựng chương trình đó, giáo viên được tăng thêm quyền và cũng tăng thêm trách nhiệm trong việc "phát huy tính chủ động, sáng tạo" trong giảng dạy. Việc một giáo viên ngữ văn giới thiệu tới học sinh tác phẩm văn học mang hơi thở đương đại và ngoài sách giáo khoa cho thấy sự chủ động này. 

Nhưng khi tác phẩm ấy gặp phản ứng của phụ huynh, thay vì tổ chức các cuộc họp chuyên môn để phân tích về giá trị tác phẩm, từ đó chỉ ra tính phù hợp hay không phù hợp, đúng hay sai trong chuyên môn nghiệp vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đã lập tức yêu cầu nhà trường phê bình, kiểm điểm giáo viên.

Những ngày qua, chưa một hội đồng chuyên môn nào trong ngành giáo dục đưa ra một kết luận chính thức rằng tác phẩm của Ocean Vương có phù hợp để học sinh lớp 11 học hay không. Nhưng người thầy đã bị "kết án".

Thiết nghĩ chúng ta dù nhìn nhận sự việc theo hướng nào cũng cần tôn trọng kết luận của hội đồng chuyên môn. Nhưng mong rằng đó không phải là điều khiến các giáo viên có khao khát sáng tạo, khao khát mang đến cho trò những tri thức mới mẻ sẽ "rén tay".

Và rồi mùa thi đến, vẫn mạng xã hội tiếp tục tái diễn bài ca: Sao đề văn cũ kỹ thế?

Tác giả: Hoàng Hồng tốt nghiệp Khoa báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Chị gắn bó với nghề báo hơn 15 năm, chuyên thực hiện các đề tài xã hội, văn hóa, giáo dục.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!